Chi đỗ quyên
Chi Đỗ quyên, danh pháp khoa học: Rhododendron (từ tiếng Hy Lạp: rhodos, “hoa hồng”, và dendron, “cây”), là một chi thực vật có hoa thuộc họ Thạch nam (Ericaceae). Đây là một chi lớn với khoảng 850-1.000 loài và hầu hết các loài đều có hoa rực rỡ. Đỗ quyên là quốc hoa của Nepal. Nhiều loài đỗ quyên được trồng làm cây cảnh. Một số loài có tác dụng chữa bệnh.
Cây đỗ quyên bonsai
Chi Đỗ quyên có đặc điểm là cây bụi và lớn (hiếm), những loài nhỏ nhất cao chừng 10–100 cm, loài lớn nhất, R. giganteum, được ghi nhận là cao tới 30 m. Lá cây xếp theo hình xoắn ốc; kích thước lá có thể từ 1–2 cm tới hơn 50 cm, ngoại lệ là R. sinogrande có lá dài 100 cm. Đỗ quyên có thể là cây thường xanh hoặc cây rụng lá theo mùa. Ở một số loài, mặt dưới lá có phủ vảy hoặc lông tơ. Một số loài nổi tiếng vì hoa nở thành chùm lớn. Có các loài vùng núi có hoa và lá nhỏ, và một số loài nhiệt đới sống bám ở dạng tầm gửi.
Cây đỗ quyên bonsai
Ở Việt Nam chỉ có vùng núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là những nơi có cây hoa Đỗ Quyên mọc tự nhiên. Riêng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên đã có tới 30 loài hoa Đỗ Quyên được phát hiện.
Cây đỗ quyên cổ thụ
Cách chăm sóc hoa đỗ quyên
Kỹ thuật làm đất
Đất trồng hoa đỗ quyên phải đảm bảo đủ các yếu tố sau: Đất tơi xốp, thoát nước, thông thoáng gió, nhiều mùn, đủ phân bón. Độ pH khoảng từ 4 – 5 là phù hợp nhất.
Cách pha trộn đất trồng hoa đỗ quyên: Lấy 2 phần đất mặt trên núi phong hoá + 1 phần lá rụng + 1 phần phân động vật ăn cỏ, trộn ủ 1 năm. Ngoài ra cũng có thể trộn theo công thức: 3 phần đất tầng mặt + 3 phần phân ngựa + 3 phần lá mục + 1 phần nước giải, trộn đều, phân thành lớp, ủ trong 1 – 2 năm. Chú ý, phải để phân ủ trong nhà có mái che để giảm độ phì do nắng mưa, trước khi dùng thì phải loại bỏ tạp chất.
Kỹ thuật chăm sóc
Kỹ thuật thay chậu: Thay chậu với hoa đỗ quyên là việc làm cần thiết. Cây hoa đỗ quyên cần được thay chậu trong các trường hợp sau: Chuyển cây từ ngoài đất vào chậu. Thứ hai là cây con lớn, bộ rễ đầy chậu đáy chậu có rễ ra ngoài. Cũng cần phải thay chậu sau khi trồng cây 2-3 năm, dinh dưỡng trong chậu đã hết. Có thể tiến hành thay chậu vào vụ xuân hoặc vụ thu (trước khi hoa đã tàn hoặc trước khi cây vào nụ). Khi thay chậu người chăm sóc nên chọn loại chậu có chất liệu và kích thước phù hợp với tuổi cây. Khi thay chậu chú ý bỏ hết đất cũ, cắt bỏ rễ xấu. Sau khi thay chậu cần tưới đẫm nước, nếu thay vào vụ thì cần chú ý giữ ẩm cho cây trong vụ đông.
Kỹ thuật tưới nước: Cây đỗ quyên có bộ rễ rất mạnh nên nó rất sợ hạn và không chịu ngập úng lâu. Nếu hạn hoặc úng quá đều khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, lá vàng, hoa rủ. Chính vì vậy, cần căn cứ vào điều kiện thời tiết để có chế độ tưới cho phù hợp. Thời gian tưới tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Vào thời kỳ cây sinh trưởng, ra nụ, hoa cần tưới nước nhiều hơn. Trong những ngày trời hanh khô cần phun nước nhiều xung quanh lá, hoa, chậu và mặt đất để tăng độ ẩm không khí.
Nước dùng tưới cho đỗ quyên tốt nhất là nước tự nhiên, rồi nước sông, ao hồ và cuối cùng là nước máy. Để tăng độ chua cho nước tưới ta có thể cho thêm sunfat sắt hoặc cho thêm dấm ăn.
Kỹ thuật bón phân: Đỗ quyên không phải loại cây phàm ăn, vì vậy cần chú ý khi bón phân. Nếu bón nhiều phân, bón phân quá đặc còn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Để hoa to và đẹp thì cần bón một lượng phân phù hợp, cách bón phân hợp lý mà theo kinh nghiệm của nhà vườn là: Phân khô bón ít, phân nước pha loãng. Thông thường chỉ bón phân với các cây từ hai năm tuổi trở lên. Đối với cây 2-3 năm tuổi thì chỉ bón từ cuối xuân đầu hè, cứ 10-15 ngày bón một lần phân loãng. Đối với cây từ 4 năm trở lên, mỗi năm bón 2 lần phân khô vào mùa xuân và mùa thu, giữa tháng 6 thì bón một lần phân P, K. Sau tháng 6 thì ngừng bón phân, đến khi tàn, cây mọc cành mới có thể bón nước phân loãng.
Một số chú ý khi bón phân:
– Không nên bón nhiều phân vào mùa hè để tránh vàng lá, rụng lá.
– Mùa hè cây sinh trưởng bình thường và đang bước vào giai đoạn sinh trưởng thực thì có thể bón 1-2 lần Ca3(PO4)2 + Ca(HPO3) thúc đẩy ra nụ hoa. Sau mỗi lần bón phần cần tăng cường tưới nước và xới xáo. Sau mùa đông không cần bón phân.
Đỗ quyên hoa đỏ (Rhododendron simsii)
Phòng trừ sâu hại
– Nhện đỏ gây hại chủ yếu trên hoa. Khi bị nhiễm nhện có thể dùng loại thuốc như DDVP 0,1% phun trừ hoặc dùng nước ngâm lá trúc đào, thanh hao pha loãng để phun.
– Rệp ống gây hại trên lá, cành non và hoa. Đối với loại này cần chú ý việc diệt trứng của chúng qua đông bằng hợp chất lưu huỳnh vôi 5%. Trong thời kỳ rệp gây hại thì có thể dùng thuốc Rogor 0,1%.
– Nhện râu ngắn gây hại trên lá, cành non và phát sinh mạnh vào mùa hè. Có thể dùng Sumithion 0,2% phun diệt.
– Bệnh thối rễ: Bệnh làm cho cây khô héo. Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Để hạn chế bệnh cần phải xử lý đất khi thay chậu. Khi phát hiện bệnh cần xử lý cây và đất kịp thời bằng thuốc tím 0,1% hoặc sunfat sắt 2%. Có thể dùng Topxin 0,1% phun vào chậu cũng có hiệu quả.
– Bệnh đốm nâu: Đây là loại bệnh gây hại chính trên cây đỗ quyên và gây hại chủ yếu trên lá, làm ảnh hưởng tới hoa. Để phòng trừ bệnh cần chú ý để cây vào nơi thông thoáng, cần tăng cường bón phân tổng hợp. Khi phát hiện cây nhiễm bệnh cần nhanh chóng phun Boodo 1% để trừ bệnh.
– Bệnh lá vàng do thiếu sắt: Bệnh này thường xuất hiện ở cây trồng trên đất kiềm. Với loại bệnh này thì chỉ cần bổ sung thêm sắt sunfat là được. Có thể bổ sung theo 2 cách là tưới hoặc phun.
Hãy là người đầu tiên nhận xét “HOA ĐỖ QUYÊN”